0989 05 05 05
bshai.net@gmail.com
TS.BS Phùng Thanh Hải chia sẻ chuyên sâu về bệnh Tâm thần phân liệt

Tiến sĩ, Bác sĩ Phùng Thanh Hải hiện đang công tác tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1, đã có bài viết về Tâm thần phân liệt (TTPL) là một bệnh loạn thần nặng và phổ biến, căn nguyên chưa hoàn toàn rõ ràng, có tính chất tiến triển với những rối loạn đặc trưng về tư duy, tri giác và cảm xúc, có khuynh hướng mạn tính, làm cho người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài và thu dần vào thế giới bên trong theo kiểu phân liệt.

Tâm thần phân liệt (TTPL) là một bệnh loạn thần nặng và phổ biến, căn nguyên chưa hoàn toàn rõ ràng, có tính chất tiến triển với những rối loạn đặc trưng về tư duy, tri giác, cảm xúc và hành vi. Bệnh này có khuynh hướng mạn tính, làm cho người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài và thu dần vào thế giới bên trong theo kiểu phân liệt. 

Bệnh khởi phát ở lứa tuổi (16 - 40), nhưng tập chung nhiều nhất ở tuổi (20 – 30). Vì vâỵ sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng lao động, học tập của bệnh nhân, họ dần trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Bệnh TTPL chiếm tỷ lệ khoảng 1% dân số ở nước ta cũng như trên Thế giới, tức là ở Việt Nam có khoảng 1 triệu người mắc bệnh TTPL. Bệnh nhân TTPL được sự giám sát, hỗ trợ từ bác sỹ, gia đình và xã hội, được uống thuốc duy trì thì họ vẫn có thể hoạt động và làm việc được bình thường. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ bệnh nhân TTPL không thừa nhận mình bị bệnh, không đi khám để phát hiện bệnh, không tuân thủ điều trị trong cộng đồng là rất cao. Đây chính là lý do làm người bệnh nhanh tiến triển thành mạn tính, làm người bệnh không có ý chí phấn đấu, không lao động, xa lánh mọi người, lười vệ sinh cá nhân, bẩn thỉu, đi lang thang, không ăn uống cùng gia đình, ăn vật bẩn, có nhiều hành vi kỳ khó hiểu, không phù hợp. Bệnh nhân có thể có cơn bỏ nhà đi lang thang, có cơn đập phá, cơn đốt nhà, đánh người, giết người, có ý nghĩ và hành vi tự tử. Từ đó, người bệnh không có khả năng chung sống hòa hợp với gia đình, sống tách riêng gia đình, nặng hơn còn thù địch, chống đối với gia đình và xã hội. 

TS.BS Phùng Thanh Hải

Trên lâm sàng bệnh TTPL thể hiện rõ ở 2 nhóm triệu chứng dương tính và âm tính. 

Triệu chứng dương tính

Hoang tưởng: thường là các hoang tưởng bị hại là triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân TTPL và loạn thần khác (bệnh nhân cho rằng có người muốn giết hại, hành hạ hay bị đầu độc…), hoang tưởng bị theo dõi (cho rằng có người rình rập và theo dõi mình), hoang tưởng bị chi phối là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh TTPL (người bệnh cho rằng có 1 ai hay 1 thế lực nào đó đang chi phối hành vi, ý nghĩ của bệnh nhân), hoang tưởng liên hệ (bệnh nhân cho rằng 1 số sách báo, đài hay bài hát nào đó đang ám chỉ nói về mình)…

Ảo giác: bệnh TTPL thường hay có ảo thanh, bệnh nhân nghe thấy tiếng nói ở trong 1 bộ phận cơ thể mình (ảo thanh giả - là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh TTPL) hoặc nghe tiếng bên ngoài tai (ảo thanh thật) với nội dung: bình phẩm (khen, chê), đe doạ (chửi bới, doạ nạt), xui khiến, ra lệnh (ảo thanh xui khiến, ra lệnh bệnh nhân làm 1 việc gì đó mà người bệnh không cưỡng được phải làm theo (ảo thanh chi phối hành vi), có khi có những hành vi nguy hiểm như: đập phá, đốt nhà, đánh người, giết người… Ngoài ra, có thể có ảo thị giác nhưng không phải triệu chứng đặc trưng trong TTPL.

Ngôn ngữ thanh xuân: lời nói bệnh nhân lộn xộn, thô tục, giễu cợt, không phù hợp, các câu nói lướt nhanh chủ đề này sang chủ đề khác, không liên quan, kèm theo cảm xúc hằn học, giận dữ. 

Hành vi thanh xuân: các hành vi này có biểu hiện trong các mức độ khác nhau, từ đi lại không ngừng đến kích động. Các hành vi này thường lố lăng, hời hợt, kỳ dị, khó hiểu, có thể đập phá, đánh người, kích động.

Hành vi căng trương lực: bệnh nhân giữ 1 tư thế lâu, hoặc có thể kích động chống lại các tác động bên ngoài. 

Triệu chứng âm tính

Cảm xúc cùn mòn: bệnh nhân mất đi sự cởi mở trong giao tiếp, không quan tâm tới môi trường bên ngoài, cảm xúc không còn phù hợp với tác động bên ngoài hay là vô cảm, thờ ơ, dửng dưng… 

Mất ý chí: người bệnh mất hết sáng kiến, động cơ, các thói quen nghề nghiệp, lao động cũng mất dần và không muốn cũng không làm việc gì nữa, chỉ nằm lì một chỗ. Bệnh nhân không tắm rửa, ăn mặc lôi thôi, bẩn thỉu, đi lang thang 1 mình không có mục đích, có nhiều hành vi kỳ dị khó hiểu…

Ngôn ngữ nghèo nàn: do tư duy chậm chạp, ngắt quãng, nên lời nói cũng chậm chạp, nội dung không rõ, ít liên quan, nhác ngừng, thiếu từ và khó hiểu.

Hình ảnh các bác sĩ thăm khám bệnh nhân bị bệnh tâm thần phân liệt

Lớp học về bệnh tâm thần phân liệt

Điều trị và quản lý người bệnh tâm thần phân liệt

Điều trị bằng thuốc an thần kinh: 

Thuốc an thần kinh cổ điển: Cụ thể là Haloperidol là thuốc có tác dụng tốt nhất cho triệu chứng dương tính giai đoạn cấp hay giai đoạn đầu của bệnh TTPL hoặc những đợt cấp tính của bệnh TTPL. Nhưng thuốc Haloperidol gây ra hội chứng ngoại tháp như là cứng hàm, lưỡi, run rảy tay chân, bồn chồn, khó chịu. Đây cũng là lý do mà người bệnh từ chối duy trì thuốc và bỏ thuốc. Còn các thuốc Aminazin, Levomepromazin, Thioridazin… có tác dụng làm giảm hoạt động tâm thần và gây ngủ nhiều.

Thuốc an thần kinh mới: Olanzapine; Risperidone; Clozapine; Amisulpride; Quetiapine…là các thuốc có tác dụng tốt trên triệu chứng dương tính và âm tính ở giai đoạn mạn tính, nên bệnh TTPL khi điều trị ổn định các bác sỹ chuyên khoa tâm thần sẽ duy trì các thuốc an thần kinh mới cho người bệnh. Ngoài ra, các thuốc an thần kinh mới này cũng rất ít gây triệu chứng ngoại tháp, đây là lý do để người bệnh chấp nhận duy trì thuốc điều trị. Tuy nhiên, các thuốc này cũng gây 1 số tác dụng phụ như mất kinh ở thuốc Risperidone, Amisulpride; tăng cân ở thuốc Olanzapine hoặc giảm bạch cầu ở thuốc Clozapine. Các tác dụng phụ này đều có thể khắc phục bằng chuyển thuốc khác phù hợp với người bệnh.

Ts.Bs. Phùng Thanh Hải tư vấn về bệnh “Rối loạn thần kinh thực vật” trong chương trình: Sức khỏe trong tầm tay của bạn

Điều trị bằng sốc điện:

Sốc điện là đưa một dòng điện ngoại lai qua não làm quá ngưỡng hoạt động của các tế bào thần kinh thuỳ trán hoặc thuỳ thái dương, tạo ra cơn co giật kiểu động kinh và một trạng thái hôn mê ngắn (khoảng 2 – 5 phút), xoá đi toàn bộ chức năng hoạt động tâm thần cũng như các rối loạn tâm thần được hình thành trong quá trình bị bệnh. Sau sốc điện thì chỉ các chức năng hoạt động tâm thần bình thường mới được hồi phục trở lại. Thời gian gần đây, do sự phát triển ngành hoá dược nên việc áp dụng sốc điện tại các bệnh viện ít dần, chỉ những trường hợp bệnh nhân kháng điều trị và có hành vi tự tử mãnh liệt hoặc từ chối ăn uống dài ngày thì các bác sỹ mới tiến áp dụng phương pháp sốc điện này và cho kết quả rất đáng ghi nhận. Thậm chí có những bệnh nhân rất nặng chỉ sốc điện 1-2 lần đã cho thấy tiến triển trên lâm sàng rất tốt.

Điều trị kết hợp trong giai đoạn điều trị củng cố: Bệnh nhân TTPL có nhiều triệu chứng trầm cảm, lo âu, hưng cảm hay rối loạn cảm xúc kèm theo. Nên các bác sỹ có thể kết hợp các thuốc giải lo âu, thuốc chống trầm cảm và chỉnh khí sắc.

Điều trị thuốc ở bệnh nhân TTPL có thai và giai đoạn cho con bú: Để tránh rủi ro do thuốc an thần kinh ảnh hưởng đến thai nhi thì nên dùng thuốc an thần kinh mới ít có tác dụng phụ và hầu như không ảnh hưởng thai nhi. Các thuốc khuyên dùng là Olanzapine và Quetiapine. Không nên dừng thuốc giai đoạn này vì nguy cơ tái phát sẽ rất lớn, nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Liệu pháp tâm lý: liệu pháp này không thay thế được việc điều trị bằng thuốc an thần kinh và sốc điện. 

Liệu pháp tâm lý cá nhân hay nhóm lớn: giúp người bệnh điều chỉnh hành vi, nhận thức mình có bệnh cần phải uống thuốc duy trì phòng tái phát và thích nghi với các căng thẳng do tâm lý có trong môi trường sống.

Liệu pháp lao động: giúp cho người bệnh hoà nhập và chống tái phát bệnh, nên chọn cho người bệnh những công việc chân tay đơn giản, dễ thực hiện và không nặng nhọc. Nhờ có lao động mà bệnh nhân có thu nhập, lo được cuộc sống của bản thân, qua đó thấy tự tin và tuân thủ uống thuốc duy trì phòng tái phát bệnh.

Chăm sóc và quản lý người bệnh tâm thần phân liệt

Đối với người bệnh TTPL: người bệnh phải được bác sỹ tư vấn để nhận thức mình bị bệnh TTPL là bệnh mạn tính, điều trị được nhưng phải duy trì thuốc để phòng tái phát. 

Đối với gia đình: 

+ Gia đình cũng phải được bác sỹ tư vấn để hiểu về bệnh TTPL, biết các dấu hiệu phát bệnh để kịp thời báo cho bác sỹ điều chỉnh thuốc. Nếu có biểu hiện tái phát bệnh rõ, như có hoang tưởng, ảo giác hay có hành vi nguy hiểm thì phải đưa đến bệnh viện điều trị nội trú.

+ Phải luôn quan tâm, không được kỳ thị và tạo điều kiện người bệnh được tham gia hoạt động, lao động để họ luôn cảm thấy mình là 1 thành viên có ích trong gia đình.

+ Luôn để ý, theo dõi và giám sát việc tuân thủ uống thuốc đúng thuốc, đúng liều và thời gian uống thuốc.

Đối với xã hội:

+ Người bệnh TTPL cần được quản lý, theo dõi định kỳ tại các trạm y tế của xã. Hàng tháng được các bác sỹ ở trạm y tế khám, tư vẫn và hướng dẫn duy trì điều trị theo đơn của các bác sỹ chuyên khoa tâm thần.

+ Các cán bộ y tế xã, các cộng tác viên xã hội tại các thôn luôn quan tâm động viên, tuyên truyền mọi người không được xa lánh, kỳ thị và giúp đỡ họ hoà nhập cộng đồng.

+ Chính quyền xã phải quan tâm ưu tiên miễn giảm lao động nặng, nghĩa vụ quân sự và tạo điều kiện làm thủ tục chế độ hưởng lương trợ cấp hàng tháng do Bộ Thương binh, lao động & xã hội của tỉnh phụ trách.

+ Khi người bệnh TTPL có biểu hiện tái phát thì cần kết hợp giữa cán bộ y tế xã, cộng tác viên, công an xã và gia đình tìm cách đưa người bệnh đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần được khám và điều trị kịp thời. 

Bệnh tâm thần phân liệt sẽ làm người bệnh mất dần khả năng lao động, học tập, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Khi phát bệnh nặng, người bệnh sẽ không kiểm soát được cảm xúc, hành vi dẫn đến nguy hiểm cho bản thân người bệnh mà còn nguy hiểm cho gia đình và những người sống xung quanh.

Do đó, khi phát hiện ra người thân có những biểu hiện tâm thần, phải đưa đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần như: Bệnh viện tâm thần trung ương 1 – Thường Tín; Viện sức khoẻ tâm thần Bạch Mai; Bệnh viện tâm thần Hà Nội… các phòng khám chuyên khoa tâm thần để được các bác sỹ chuyên khoa tâm thần khám bệnh, tư vấn và điều trị sớm thì người bệnh có thể hoàn toàn lao động, làm việc và hoà nhập cộng đồng như những người bình thường khác.

Địa chỉ Phòng khám chuyên khoa Tâm thần của Ts.Bs. Phùng Thanh Hải:

Số 27 – Nam Bình – Hoà Bình – Thường Tín – Hà Nội (ngay cổng BVTTTW1)